Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Kinh Paritta là kinh gì?

Kinh Paritta là kinh gì?

Do nhân duyên được nghe Chư Tăng lớp Phật Pháp Buddhadhamma thuyết giảng có nhắc đến kinh Paritta. Và vì không biết kinh Paritta là kinh gì và có uy lực ra sao nên chúng tôi đã tìm hiểu và dịch lại. Vì lý do đang tìm hiểu nên có điều gì sai hoặc thiếu xót xin chư vị chỉ dạy thêm. 

Minh Hạnh


Từ vựng Paritta (Pali) được dịch là "sự che chở" hay "sự bảo vệ". Những bài kinh Paritta là những bài kinh đề cập đến việc tu tập thực hành Phật Pháp, và được tụng trong việc xua đuổi tà ma hoặc những lúc gặp nguy hiểm. Được miêu tả như những bài kinh có uy lực tâm linh. Việc tụng niệm hay nghe kinh điển Paritta đã có từ rất sớm trong lịch sử Phật giáo. 

Một số những bài kinh Paritta được tin rằng sẽ đem lại kết quả mong muốn nhờ phát triển sự hộ trì hiệu quả của Chư Thiên như những bài nguyện cầu sự thịnh vượng, an lành và hạnh phúc của các Phật tử. 

Trong kinh điển  Pali, những bài kinh này được Đức Phật thuyết giảng như là một sự tu tập để tránh khỏi những phiền não. Niềm tin vào sức mạnh có hiệu quả để chữa lành, hoặc sự bảo vệ, của năng lực thần thông, hoặc sự tương ứng của một cái gì đó. 

Nhiều người tin rằng tụng kinh Paritta bởi Chư Tăng sẽ mang lại nhiều phước báu. Những lời kinh tán thán cũng được tụng trong những dịp tốt đẹp, chẳng hạn như lễ khánh thành ngôi đền mới hoặc nhà mới hoặc để ban phước cho những người nghe. Ngược lại, có những bài kinh Paritta được tụng  trong những lễ tang hay vào dịp ngày giỗ kỵ  của người thân yêu đã quá vãng. Cũng có thể được tụng để xoa dịu sự phiền não. 

Trong các loại Kinh Paritta Sutta này được tụng niệm một mình hoặc tập thể nhiều người. Một số hoặc tất cả những Kinh Paritta được tụng niệm như những câu trú nguyện thông thường của Phật tử, nhằm chống lại những hiểm nguy và tai hoạ hoặc phòng tránh những chuyện không may mắn đang diễn ra và vô hiệu hoá các rủi ro từng xảy ra là mục đích chính của việc tụng niệm.

Cần phải lưu ý là mỗi bài kệ Paritta Sutta có chức năng đặc trưng khác nhau, mặc dù bất cứ bài kệ Paritta nào cũng có thể được tụng niệm như một biện pháp hộ trợ thông thường. Và người tụng phải có chánh niệm cũng như lòng tin vào sự hộ trì của bài kinh.

Có những câu kinh Paritta tụng lên để trực tiếp cầu xin Đức Phật bảo hộ như trong kinh Nguyệt Thiên Tử-Candima Sutta và kinh Nhật Thiên Tử-Suriya Sutta. Trong hai đoạn kệ này Chư Thiên Canda và Surya đã tụng đọc để mong sự bảo hộ của Đức Phật trước sự đe doạ của vua A Tu La Ràhu.

- Đảnh lễ đấng Giác Ngộ, 
Bậc Anh Hùng muôn thuở,
Ngài là bậc Giải Thoát, 
Thoát ly thật viên mãn, 
Còn con bị trói buộc,
Hãy cho con quy ngưỡng. 

Rồi Thế Tôn, vì Thiên tử Candima, nói lên bài lệ này cho Ràhu, vua A-tu-la:

Canda đã quy y,
Như Lai, bậc La-hán, 
Ràhu, hãy thả nó, 
Vì chư Phật thương đời.

Rồi Ràhu, vua A-tu-la, giải thoát cho Thiên tử Candima. Như bị hốt hoảng, Ràhu đi đến Vepacitti, vua A-tu-la, run sợ, lông tóc dựng ngược và đứng một bên. Và Vepacitti, vua A-tu-la, nói lên bài kệ cho Ràhu, vua A-tu-la, đang đứng một bên:

Vì sao, như hốt hoảng, 
Ràhu thả Canda, 
Ông đến, lòng run sợ,
Ông đứng, tâm kinh hoàng? 
Đầu con bể thành bảy, 
Đời con không hạnh phúc, 
Với lời kệ đức Phật, 
Nếu không thả Canda. 

Có những bài kinh Paritta khác dựa trên đức hạnh cá nhân của người nói lời chân ngôn được ghi lại trong kinh điển thay vì tán thán Đức Phật như trong kinh Angulimala Sutta, nói về Tỳ Kheo Angulimala, một người sát hại 999 người được Đức Phật chuyển hoá chứng đắt đạo quả, khi một phụ nữ mang thai gặp khó khăn trong khi sinh nở, Ngài Angulimala được chuyển đến để hỗ trợ. Hỏi Đức Phật làm thế nào để có thể giúp đỡ, Đức Phật bảo Angulimala ban phước lành cho người phụ nữ bằng cách đọc một câu chân ngôn về đức hạnh của mình:

"Này Bà chị, vì rằng tôi từ khi sanh ra chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn!"

Câu Kinh Paritta này được coi như là lời ban phước lành cho các phụ nữ mang thai sắp đến ngày sanh nở trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy.

Đức Phật và các vị A La Hán có thể tập trú vào các bài kinh Paritta mà không cần sự trợ giúp của người khác. Tuy nhiên, khi Đức Phật hoặc các vị Alahán bị bịnh, các Ngài dễ dàng chánh niệm lắng nghe những gì người khác niệm, và do đó tập trung tâm trí vào giáo pháp mà các kinh điển chứa đựng, hơn là tự nghĩ về Pháp. Có lần Đức Phật bịnh vị thị giả đã tụng kinh Thất Giác Chi, Ngài chánh niệm nghe và sau đó hết bịnh.

Tại các nước theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy các bài kinh Paritta được phổ biến và được biết đến rộng rãi, mặc dù không nhất thiết phải hiểu.

Những Phật tử tại Miến Điện thì tin rằng có 11 kinh có uy lực Paritta. Đó là:

1. Kinh Hạnh Phúc (Mangala sutta) Khp 5, Sn 2.4
2. Kinh Châu Báu ( Ratana sutta) Khp 6, Sn 2.1
3. Kinh Từ Bi (Metta sutta) Khp 9, Sn 1.8
4. Kinh Các Uẩn ( Khandha sutta) .SN 22.48
5. Kinh  Mora sutta. Ja 159
6. Luân Hồi Kinh (Vatta sutta) dựa trên Bổn sanh truyện và sở Hành Tạng ( Cariyapitaka) trong Tiểu A Hàm.
7. Kinh Đầu Lá Cờ ( Dhajagga sutta) -.Dhajagga-paritta ("Đầu Lá Cờ") SN 11.3
8. Atanatiya Sutta ("Kinh A-sá-nang-chi") DN 32
9. Ương Quật Ma La Kinh ( Angulimala sutta, Vô Não Kinh) AN 10.60
10. Kinh Thất Giác Chi ( Bojjhanga sutta) SN 46.14, SN 46.15, SN 46.16
11. Kinh buổi sáng tốt lành (Pubbanha sutta - Buổi Sáng Tốt Lành) AN 3.150

Trong khi đó theo wikipedia.org thì cho là có 29 bài kinh có uy lực Paritta được ghi dưới đây:

1. Sarana-gama ("Tam Quy") Khp 1
2. Dasa-sikkhapada ("Mười Giới") Khp 2
3. Samanera-pañha ("Nam Tử Hỏi Đạo") Khp 4
4. Dvattimsakara ("32 Thể Trược") Khp 3
5. Paccavekkhana ("Những điều quán tưởng của người Xuất Gia") MN 2 (excerpt), passim
6. Dasa-dhamma Sutta ("Mười Pháp") AN 10.48
7. Mahamangala Sutta ("Kinh Điềm Lành") Khp 5, Sn 2.4
8. Ratana Sutta ("Kinh Châu Báu") Khp 6, Sn 2.1
9. Karaniya Metta Sutta ("Kinh Từ Bi") Khp 9, Sn 1.8
10. Khandha-paritta ("Kinh Các Uẩn") SN 22.48
11. Metta-anisamsa ("Kinh Từ Bi") AN 11.16
12. Mitta-anisamsa ("Tiền Thân Mùga-Pakka") Ja 538
13. Mora-paritta ("Tiền thân Mora") Ja 159
14. Canda-paritta ("Kinh Nguyệt Thiên Tử") SN 2.9
15. Suriya-paritta ("Kinh Nhật Thiên Tử") SN 2.10
16. Dhajagga-paritta ("Đầu Lá Cờ") SN 11.3
17. Mahakassapa Thera Bojjhanga ("Trường Lão Mahà Kassapa bịnh và Đức Thế Tôn thuyết Thất Giác Chi , Trưởng Lão Kassapa sau khi nghe xong liền khỏi bịnh") SN 46.14 (Kinh người bệnh I)
18. Mahamoggallana Thera Bojjhanga ("Tôn Giả Maha Moggalana's Mục Kiền Liên bị bịnh và Đức Thế Tôn giảng Thất Giác Chi, Tôn Giả nghe xong đã khỏi bịnh") SN 46.15 (Gilana Sutta II)
19. Mahacunda Thera Bojjhanga ("Đức Phật bị bịnh Tôn Giả Maha Cunda thuyết giảng Thất Giác Chi và Đức Phật sau khi nghe xong đã khỏi bịnh") SN 46.16 (Gilana Sutta III)
20. Girimananda Sutta ("Tôn Giả Girimananda bị bịnh Đức Phật sai Tôn Giả Ananda đến thuyết giảng 10 quán tưởng Ngài Girimananda nghe xong liền khỏi bịnh") AN 10.60
21. Isigili Sutta ("Kinh Thôn Tiên") MN 116
22. Dhammacakkappavattana Sutta ("Kinh Như Lai Thuyết") SN 56.11
23. Maha-samaya Sutta ("Kinh Dai Hoi") DN 20
24. Alavaka Sutta ("Kinh Da Xoa Alavaka ") SN 46.11
25. Kasi Bharadvaja Sutta ("Farmer Bharadvaja Discourse") Sn 1.4
26. Parabhava Sutta ("Kinh Bại Vong") Sn 1.6
27. Vasala Sutta ("Kinh Kẻ Bần Tiện") Sn 1.7
28. Sacca-vibhanga Sutta ("Kinh Phân biệt về Sự thật") MN 141
29. Atanatiya Sutta ("Kinh A-sá-nang-chi") DN 32

Ghi Chú: Xem các bài kinh theo số thứ tự ở bên lề phải

6. Dasa-dhamma Sutta ("Ten Dhamma Discourse") AN 10.48

Tăng Chi Bộ Kinh - Anguttara Nikaya

Kinh Các pháp- Dasadhamma Sutta(AN X.48)

Này các Tỷ-kheo, có mười pháp này, vị xuất gia phải luôn luôn quán sát. Thế nào là mười ?
Vị xuất gia phải luôn luôn quán sát : "Ta nay đi đến tình trạng là người không có giai cấp" (mất hết giai cấp).
Vị xuất gia phải luôn luôn quán sát : "Đời sống của ta tùy thuộc vào người khác."
Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát : "Nay cử chỉ uy nghi của ta cần phải thay đổi ! "
Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát : "Không biết tư ngã có chỉ trích ta về giới hạnh không ? "
Vị xuất gia cần luôn luôn quán sát : "Không biết các đồng Phạm có trí, sau khi tìm hiểu, có chỉ thích ta về giới hạnh không ? "
Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát : "Mọi sự vật khả ái, khả ý của ta bị đổi khác, bị biến hoại".
Vị xuất gia cần phải quán sát : "Ta là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. là thai tạng của nghiệp, là bà con của nghiệp. là chỗ quy hướng của nghiệp ; phàm nghiệp gì ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy".
Vị xuất gia cần phải luôn quán sát : "Đêm ngày trôi qua bên ta và nay ta đã thành người như thế nào ?
Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát : "Ta có cố gắng hoan hỷ trong ngôi nhà trống không hay không ? "
Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát : "Ta có chứng được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh không, để đến những ngày cuối cùng, các đồng Phạm hạnh có hỏi, ta sẽ không có xấu hổ ? "
Này các Tỷ-kheo, mười pháp này, vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát.

1. Sarana-gama ("Tam Quy") Khp 1

Tam Qui

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dutiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dutiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dutiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Tatiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Tatiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Tatiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi

Ðệ tử qui y Phật 
đấng Thiên Nhơn Ðiều Ngự
bi trí vẹn toàn
Ðệ tử qui y Pháp 
đạo chuyển mê khai ngộ 
ly khổ đắc lạc
Ðệ tử qui y Tăng 
bậc hoằng trì Chánh Pháp 
vô thượng phước điền 
Lần thứ hai 
đệ tử qui y Phật Pháp Tăng Tam Bảo
Lần thứ ba 
đệ tử qui y Phật Pháp Tăng Tam Bảo (lạy)

2. Dasa Sikkhapada — The Ten Training Rules

II. Thập Giới (Dasasikkhàpada) 

1. Ðệ tử thực hành giới tránh sát sanh.

2. Ðệ tử thực hành giới tránh lấy của không cho.

3. Ðệ tử thực hành giới tránh tà hạnh trong các dục.

4. Ðệ tử thực hành giới tránh nói láo.

5. Ðệ tử thực hành giới tránh mọi cơ hội buông lung phóng dật do uống rượu hoặc các thứ men say.

6. Ðệ tử thực hành giới tránh ăn phi thời.

7. Ðệ tử thực hành giới tránh múa, hát, nhạc, kịch.

8. Ðệ tử thực hành giới tránh cơ hội đeo vòng hoa và trang điểm với hương liệu, dầu xoa.

9. Ðệ tử thực hành giới tránh dùng giường cao và rộng.

10. Ðệ tử thực hành giới tránh nhận vàng bạc.

3. Samanera Pañha — The Novice's Questions

IV. Nam Tử Hỏi Ðạo (Kumàrapanha) 

Thế nào là một?

Mọi loài hữu tình đều tồn tại nhờ thức ăn.1

Thế nào là hai?

Danh và sắc.2

Thế nào là ba?

Ba loại cảm thọ.3

Thế nào là bốn?

Bốn Thánh đế.4

Thế nào là năm?

Năm thủ uẩn.5

Thế nào là sáu?

Sáu nội xứ.6

Thế nào là bảy?

Bảy giác chi.7

Thế nào là tám?

Thánh đạo tám ngành.8

Thế nào là chín? ?

Chín nơi cư trú của các loài hữu tình.9

Thế nào là mười??

Vị nào có đủ mười đức tánh được gọi là vị A-la-hán.10

4. Dvattimsakara — The 32 Parts

III. Ba Mươi Hai Phần (Dvattimsàkàra) 

[Trong thân này có:]

tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, chất nhờn ở khớp, nước tiểu và não trong đầu.

5. Những điều quán tưởng của người xuất gia (Paccavekkhana) - MN 2

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

Kinh Tất cả các lậu hoặc MN 2
(Sabbàsava sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo!" --"Bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: "Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc". Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói". --"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Thế Tôn nói như sau:

(Tóm lược)

-- Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ)

Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.

Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.

Vị ấy không như lý tác ý như sau: "Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?" Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?".

Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: "Ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. "Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: "Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại". Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỷ-kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Ðó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

Vị ấy như lý tác ý: "Ðây là khổ", như lý tác ý: "Ðây là khổ tập", như lý tác ý: "Ðây là khổ diệt", như lý tác ý: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ? Ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị ấy như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai... (như trên)... sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ mũi... (như trên)... sống phòng hộ với sự phòng hộ lưỡi... (như trên)... sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ thân... (như trên)... sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ ý. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn".

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.

Vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.

Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng. Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (dục niệm ấy); không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (sân niệm ấy); không có chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (hại niệm ấy); không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (các ác bất thiện pháp ấy). Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn diệt.

(Các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát tu tập trạch pháp giác chi... (như trên)... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(Kết luận)

Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do thọ dụng được đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do kham nhẫn được đoạn trừ đã được kham nhẫn đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tránh né được đoạn trừ đã được tránh né đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do trừ diệt được đoạn trừ đã được trừ diệt đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tu tập được đoạn trừ đã được tu tập đoạn trừ; này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

7. Mangala Sutta — Kinh Điềm Lành

7. Mangala Sutta — Kinh Điềm Lành 

Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy với bài kệ bạch Thế Tôn: Nhiều Thiên nhân và Người,
Suy nghĩ đến điềm lành,
Mong ước và đợi chờ,
Một nếp sống an toàn,
Xin Ngài hãy nói lên
Về điềm lành tối thượng.

Thế Tôn:

Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc trí,
Ðảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng.

Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tụ tâm,
Là điều lành tối thượng.

Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói
Là điềm lành tối thượng.

Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Nuôi dưỡng vợ và con,
Làm nghề không rắc rối
Là điềm lành tối thượng.

Bố thí, hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm
Là điềm lành tối thượng.

Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng.

Kính lễ và hạ mình,
Biết đủ và biết ơn,
Ðúng thời, nghe Chánh pháp
Là điềm lành tối thượng.

Nhẫn nhục, lời hòa nhã,
Yết kiến các Sa-môn,
Ðúng thời, đàm luận pháp,
Là điềm lành tối thượng.

Khắc khổ và Phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế,
Giác ngộ quả Niết bàn
Là điềm lành tối thượng.

Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn
Là điềm lành tối thượng.

Làm sự việc như vậy,
Không chỗ nào thất bại,
Khắp nơi được an toàn,
Là điềm lành tối thượng.

8. Ratana Sutta — Kinh Châu Báu

8. Ratana Sutta — Kinh Châu Báu 

Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không
Mong rằng mọi sanh linh,
Ðược đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.

Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Ðối với mọi loài, người.
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.

Phàm có tài sản gì,
Ðời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai, Thiện Thệ
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Ðoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu,
Phật Thích Ca Mâu-Ni,
Chứng pháp ấy trong thiền.
Không gì sánh bằng được,
Với pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Phật Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thiền định trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy,
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Tám vị bốn đôi này,
Ðược bậc thiện tán thán,
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Ðược kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gotama!.
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Như vậy cột trụ đá,
Khéo y tựa lòng đất,
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động,
Ta nói bậc chơn nhân,
Giống như ví dụ này.
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu,
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không tự chế,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy, có ba pháp,
Ðược hoàn toàn từ bỏ.
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không;
Ðối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát;
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Dầu vị ấy có làm
Ðiều ác gì đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể
Che đậy việc làm ấy,
Vị ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Ðẹp là những cây rừng
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng ba nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Ðược ví dụ như vậy,
Pháp đưa đến Niết-bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng.
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Cao thượng, biết cao thượng,
Cho, đem lại cao thượng,
Bậc vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng.
Như vậy, nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai.
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng,
Bậc trí chứng Niết-bàn,
Ví như ngọn đèn này.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ đức Phật,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ chúng Tăng
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

9. Karaniya Metta Sutta — Kinh Từ Bi

9. Karaniya Metta Sutta — Kinh Từ Bi 

Vị thiện xảo mục đích,
Cần phải làm như sau:
Sau khi hiểu thông suốt,
Con đường an tịnh ấy,
Có khả năng, trực tánh,
Thật sự, khéo chân trực,
Dễ nói và nhu hòa,
Không có gì cao mạn.

Sống cảm thấy vừa đủ,
Nuôi sống thật dễ dàng,
Ít có sự rộn ràng,
Sống đạm bạc giản dị.
Các căn được tịnh lạc,
Khôn ngoan và thật trọng,
Không xông xáo gia đình,
Không tham ái, tham vọng.

Các sở hành của mình,
Không nhỏ nhen vụn vặt,
Khiến người khác có trí,
Có thể sanh chỉ trích.
Mong mọi loài chúng sanh,
Ðược an lạc, an ổn,
Mong họ chứng đạt được,
Hạnh phúc và an lạc.

Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ.

Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sanh
Sống hạnh phúc an lạc.

Mong rằng không có ai,
Lường gạt lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào.
Không vì giận hờn nhau,
Không vì tưởng chống đối.
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.

Như tấm lòng người mẹ,
Ðối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.

Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy, cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch.

Khi đứng, hay khi đi,
Khi ngồi, hay khi nằm,
Lâu cho đến khi nào,
Khi đang còn tỉnh thức,
Hãy an trú niệm này,
Nếp sống này như vậy,
Ðược đời đề cập đến,
Là nếp sống tối thượng.

Ai từ bỏ tà kiến,
Giữ giới, đủ chánh kiến,
Nhiếp phục được tham ái,
Ðối với các dục vọng,
Không còn phải tái sanh,
Ði đến thai tạng nữa.

10. Khandha-paritta ("Kinh Các Uẩn") SN 22.48

Tương Ưng Bộ Kinh - Samyutta Nikaya

Kinh Các Uẩn - Khandha Sutta
Nhân duyên ở Sàvatthi. Thế Tôn nói như sau:
-"Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng năm uẩn và năm thủ uẩn, hãy lắng nghe và suy nghiem kỹ."
-" Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ kheo vâng đáp Thế Tôn.
 Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, thế nào là năm uẩn?
Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là sắc uẩn.
Này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là thọ uẩn.
Này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là tưởng uẩn.
Này các Tỷ-kheo, phàm có hành gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là hành uẩn.
Này các Tỷ-kheo, phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là thức uẩn.
Những cái này, này các Tỷ-kheo, được gọi là năm uẩn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năm thủ uẩn?
Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là sắc thủ uẩn.
Này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là thọ thủ uẩn.
Này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là tưởng thủ uẩn.
Này các Tỷ-kheo, phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là thức thủ uẩn.
Này các Tỷ-kheo, phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là thức thủ uẩn.
Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là năm thủ uẩn.

11. Kinh Buổi Sáng Tốt Lành

Tăng Chi Bộ AN 3.150

150.- Buổi Sáng Tốt Ðẹp

- Các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp. Các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp. Các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.

Vầng sao lành, điều lành
Rạng đông lành, dậy lành
Sát-na lành, thời lành
Cúng dường bậc Phạm hạnh
Thân nghiệp chánh, lời chánh
Ý nghiệp chánh, nguyện chánh
Làm các điều chơn chánh
Thì được lợi an lạc 
Lớn mạnh trong Phật giáo
Hãy không bệnh an lạc
Cùng tất cả bà con.
HT Minh Châu dịch Việt

11. Metta-anisamsa ("Lovingkindness Advantages Discourse") AN 11.16

Tăng Chi Bộ Kinh - Anguttara Nikaya

Kinh Từ - Metta (Mettanisamsa) Sutta(AN XI.16)

 Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một ?
Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng được loài Người ái mộ, được phi nhân ái một, chư Thiên bảo hộ, không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám ; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả) ; được sanh lên Phạm thiên giới.
Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích.

12. Mitta-anisamsa ("Chuyện Vương Tử què") Ja 538

538. Chuyện Vương tử què câm (Tiền thân Mùga-Pakka)

Con ơi đừng lộ trí thông minh...,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Jetavana (Kỳ Viên) về Ðại sự Xuất thế của Ngài.

Một ngày nọ, các Tỷ-kheo ngồi tại Chánh pháp đường tán thán công hạnh xuất gia cao cả của đức Thế Tôn. Khi đức Thế Tôn đến hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn luận đề tài gì, và khi được biết đề tài ấy, Ngài bảo:

- Không đâu, này các Tỷ-kheo, việc xuất thế của ta ngày nay, sau khi từ bỏ ngai vàng, không có gì kỳ diệu, khi Ta đã thành tựu đầy đủ Thập Ba-la-mật (Mười Hạnh Viên mãn của Bồ-tát). Vì trước kia, ngay khi trí Ta chưa thành tựu và Ta đang tinh tấn đạt đến các Hạnh Viên mãn, Ta đã rời bỏ ngai vàng và xuất thế.

Rồi theo lời thỉnh cầu của các Tỷ-kheo, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa có một vị vua tên là Kàsiràja trị vì quốc độ rất đúng pháp tại Ba-la-nại. Ngài có mười sáu ngàn phi tần, nhưng không bà nào có con cả. Quần thần họp lại (như trong Tiền thân Kusa) bảo nhau:

- Chúa thượng không có con trai nối dõi.

Rồi họ xin nhà vua cầu tự. Nhà vua ra lệnh cho mười sáu ngàn phi tần cầu tự, nhưng dù họ thờ phượng và cầu tự thần mặt trăng và nhiều thần linh khác, họ vẫn không có con.

Lúc bấy giờ Chánh cung vương hậu Candà, con gái nhà vua thuộc dòng họ Madda, vốn chuyên tâm làm các việc thiện, vua liền bảo bà cũng phải cầu tự. Thế là vào một ngày rằm trăng tròn, bà thọ giới Uposatha (Bố-tát giới) và trong khi nằm trên chiếc giường nhỏ, suy gẫm về cuộc đời đức hạnh của bà, bà thực hiện một lời cầu nguyện Chân lý như sau:

- Nếu ta chưa bao giờ phạm các giới luật thì hãy vì lòng thành của lời cầu nguyện này, xin ban cho ta một đứa con trai.

Vì uy lực của lòng thành này, cung thất của Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) nóng rực lên. Thiên chủ Sakka, sau khi xem xét và xác định rõ nguyên cớ xong, liền bảo:

- Vương hậu Candà đang cầu tự, ta sẽ cho bà thỏa nguyện.

Vì thế trong khi Thiên chủ tìm một đứa con xứng đáng cho bà, chợt trông thấy Bồ-tát.

Lúc bấy giờ Bồ-tát, sau khi trị vì hai mươi năm tại Ba-la-nại, đã tái sinh vào ngục Ussada và chịu đọa đày trong tám vạn năm, rồi lại hóa sinh vào cõi trời Ba mươi ba.

Sau khi kỳ hạn ở đó đã mãn, ngài mạng chung và ước mong lên các thiên giới cao hơn. Thiên chủ Sakka đến bảo ngài:

- Này Hiền giả, nếu Hiền giả sinh vào thế giới loài người, Hiền giả sẽ thành tựu đầy đủ các hạnh Ba-la-mật và sẽ làm lợi lạc quần sinh. Hiện nay chánh hậu Candà đang cầu tự, xin hãy nhập mẫu thai của bà.

Ngài bằng lòng và được năm trăm vị Thiên tử hộ tống, ngài nhập mẫu thai của chánh hậu, còn năm trăm vị Thiên tử được cưu mang trong lòng các phu nhân của các quan đại thần. Tử cung của chánh hậu như chúa đầy kim cương. Khi nhận thấy thế, bà liền tâu chuyện với vua. Ngài ra lệnh chăm sóc thật chu đáo cho hài nhi sắp chào đời được mọi sự bình an, và cuối cùng bà hạ sinh một hoàng nam đầy đủ mọi tướng tốt lành. Cùng ngày ấy, năm trăm hài nhi quý tộc ra đời trong dinh các quan. Vào lúc đó, nhà vua ngự trên bệ rồng, quần thần vây quanh thì có kẻ trình lên:

- Tâu Ðại vương, một vương tử vừa ra đời.

Vua nghe vậy, tình phụ tử khởi lên, xuyên suốt da thịt ngài đến tận xương tủy, lòng ngài rộn rã niềm vui, ngài thấy như trẻ lại. Ngài hỏi quần thần:

- Các khanh có hoan hỷ khi nghe vương tử được sinh không?

Quần thần đều đáp:

- Sao Ðại vương lại bảo thế? Trước đây chúng thần thật bơ vơ, nay đã có nơi nương tựa, chúng thần đã có một vị chúa tể.

Vua ra lệnh cho vị tể tướng:

- Hãy chuẩn bị một đám hầu cận cho con ta, hãy xem số hài nhi công tử vừa ra đời hôm nay là bao nhiêu?

Vị này xem thấy đủ năm trăm, liền trình lên. Vua ban năm trăm vương bào danh dự cho năm trăm công tử ấy cùng năm trăm nhũ mẫu.

Ngài lại ban sáu mươi bốn nhũ mẫu cho Bồ-tát, những người này không được có khuyết điểm nào như quá cao, quá gầy v.v... Ngực không xệ xuống, và phải đầy sữa ngọt. Nếu một hài nhi bú sữa trong lòng một nhũ mẫu quá cao, thì cổ hài nhi sẽ bị dài ra, nếu bú sửa trong lòng một nhũ mẫu quá thấp thì xương vai hài nhi sẽ bị co lại. Nếu nhũ mẫu quá gầy thì đùi hài nhi sẽ đau nhức, nếu quá thô kệch thì hài nhi sẽ bị chân cong; cơ thể của một nhũ mẫu da đen sẽ quá lạnh; thân của nhũ mẫu da trắng sẽ quá nóng; hài nhi nào bú sữa của một nhũ mẫu ngực cao quá sẽ bị đầu mũi tẹt; một số nhũ mẫu lại có sữa chua, sữa đắng, v.v...

Vì vậy để tránh mọi khuyết điểm trên, vua gởi đến sáu mươi nhũ mẫu có sữa ngọt và không bị khuyết điểm nào; và sau khi ngợi khen Bồ-tát với đủ lời tán tụng, ngài cũng ban cho vương hậu một điều ước. Bà thọ lãnh ân huệ đó và ghi nhớ trong lòng.

Ðến ngày đặt tên cho hài nhi, triều thần ca ngợi các vị Bà-la-môn đã thấy được những điềm lành khác nhau, cùng hỏi xem họ có thấy điềm bất tường nào chăng. Các Bà-la-môn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của thân tướng ngài, đồng nói:

- Tâu Hoàng thượng, thái tử có đầy đủ mọi tướng mạo của phúc phận mai sau, ngài sẽ có tài cai trị không những một châu mà cả bốn châu thiên hạ, ngoài ra không có điềm bất tường nào khác.

Vua đầy hoan hỷ, đặt tên con là Temiya-Kumàro vì ngày sinh ra vương tử, trời mưa khắp cả vương quốc Kàsi và vương tử sinh ra đã bị ướt đầm.

Khi vương tử đầy tháng, ngài được chưng diện thật đẹp và đem vào yết kiến vua. Nhìn đứa con yêu, vua liền ôm vào lòng chơi đùa với con. Cùng lúc ấy, có bốn tên cướp được đưa đến trước mặt vua; một trong bốn tên đó bị ngài xử phạt một ngàn roi quấn gai nhọn, một tên khác phải bị gông cùm xiềng xích, một tên nữa phải bị đâm bằng giáo, và tên cuối cùng bị đâm cọc xuyên suốt toàn thân. Bồ-tát nghe vua cha nói, kinh hãi nghĩ thầm: "Ôi cha ta vì làm vua mà mang lấy những ác nghiệp khiến cho người phải đọa địa ngục".

Ngày hôm sau ngài được đặt nằm trên một chiếc giường lộng lẫy che lọng trắng. Khi ngài tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn, mở mắt nhìn lên lọng trắng cùng vẻ nguy nga của hoàng cung, nỗi kinh hãi càng tăng lên, ngài tự hỏi: "Từ đâu ta lại đến cung này?", và hồi tưởng lại các đời trước, ngài nhớ ra rằng xưa kia ngài đã đi từ thế giới chư Thiên và đã chịu đọa đày ở địa ngục, rồi ngài cũng đã làm vua trong chính kinh thành này.

Trong lúc ấy, ngài suy nghĩ: "Ta đã làm vua hai mươi năm, rồi chịu đọa đày tám vạn năm ở ngục Ussada, bây giờ ta lại sinh vào ngôi nhà có trộm cướp này, và cha ta, khi thấy bốn tên cướp được đưa vào, đã thốt ra những lời ác độc khiến người phải đọa địa ngục. Nếu ta làm vua, ta cũng sẽ lại bị đọa vào địa ngục và chịu khổ hình".

Ngài vô cùng kinh hãi, thân thể vàng óng của ngài tái nhợt đi và héo úa như đóa sen bị giày vò trong tay, ngài nằm suy nghĩ tìm cách thoát khỏi ngôi nhà đầy kẻ cướp này.

Lúc ấy vị nữ thần trong chiếc lọng, ở một kiếp xa xưa nào đó đã là mẹ của ngài, hiện ra an ủi ngài:

- Này con Temiya của ta, con đừng sợ hãi, nếu con thật sự muốn thoát khỏi đây, con cứ giả vở què dù con không thực què, cứ giả điếc dù con không thực sự điếc, cứ giả vờ câm dù con không thực sự câm. Cứ khoác lên mình những dị tật đó, đừng lộ chút dấu hiệu thông minh nào cả.

Rồi bà ngâm vần kệ thứ nhất:

1. Con ơi, đừng lộ trí thông minh,
Cứ giả ngu đần trước chúng sinh,
Hãy chịu khinh khi từ tất cả,
Cuối cùng con đạt đến quang minh.

Ðược lời an ủi của bà, ngài ngâm vần kệ thứ hai:

2. Con sẽ làm theo ý nữ thần,
Những lời mẹ dạy quý vô ngần,
Mẹ hiền ước muốn con an lạc,
Mẹ chỉ mong con hưởng phước ân.

Vì thế ngài thực hiện ngay ba ác tật trên. Vua muốn con trai khỏi buồn, liền bảo đem năm trăm công tử đến bên ngài. Những hài nhi này bắt đầu khóc đòi bú, nhưng Bồ-tát vì sợ đọa địa ngục, nghĩ rằng thà chết khát còn hơn làm vua, nên không khóc. Các nhũ mẫu tâu chuyện đó với vương hậu, và lại tâu lên vua, vua liền cho mời các Bà-la-môn giỏi tướng số đến hỏi ý. Họ đáp:

- Tâu Ðại vương, xin ngài hãy cho vương tử bú sau thời hạn qui định, vương tử sẽ khóc rồi ngậm chặt vú để bú tùy thích.

Thế rồi họ cho vương tử bú sau một thời hạn qui định, có khi họ để thời hạn qui định quá một lần, có khi cả ngày họ không cho ngài bú sữa. Nhưng ngài sợ đọa địa ngục nên dù khát cũng không khóc đòi bú. Thế rồi mẹ ngài cùng các nhũ mẫu cứ cho ngài bú, dù ngài không khóc, họ bảo:

- Hài nhi đói lả rồi.

Các hài nhi khác khóc la khi chưa bú, nhưng ngài không khóc, không ngủ, cũng không co duỗi tay chân, cũng không tỏ ra nghe được tiếng động nào. Thế là các nhũ mẫu suy nghĩ: "Tay chân người què không giống thế này, hình dáng quai hàm người câm không giống thế này, hình dáng tai kẻ điếc cũng không phải thế này, chắc phải có lý do gì đây, chúng ta phải xem kỹ ra sao".

Vì vậy họ quyết định lấy sữa thử ngài, cả ngày họ không cho ngài bú, nhưng dù khát khô cổ họng, ngài vẫn không thốt một tiếng kêu đòi bú. Sau đó mẹ ngài nói:

- Con ta đói lả rồi. Hãy cho nó bú.

Và bà bảo họ cho ngài bú. Như vậy thỉnh thoảng họ cho ngài bú để thử ngài suốt năm trường nhưng vẫn không khám phá ra chỗ yếu của ngài. Rồi họ bảo nhau:

- Trẻ con thường thích bánh kẹo và của ngon vật lạ ta hãy đem ra thử hài nhi này xem.

Họ đặt năm trăm ấu nhi cạnh ngài , đem đủ cao lương mỹ vị đến, bảo các ấu nhi lựa món ăn tùy thích rồi họ lánh mặt đi. Các trẻ kia gây gỗ đánh nhau rồi chụp giựt bánh kẹo ăn, nhưng Bồ-tát tự nhủ: "Này Temiya, cứ ăn bánh kẹo cùng cao lương mỹ vị đó nếu ngươi muốn xuống địa ngục". Rồi vì sợ đọa địa ngục, ngài không muốn nhìn các thức ăn nữa. Và cứ thế dù họ đem kẹo bánh, cao lương mỹ vị ra thử ngài cả năm ròng, họ cũng không khám phá chỗ yếu của ngài.

Sau đó họ lại bảo:

- Trẻ con thường thích đủ loại trái cây.

Và họ đem đủ thứ trái cây ra thử ngài. Các trẻ kia đòi ăn trái cây nhưng ngài không buồn nhìn chúng và cứ thế suốt năm ròng họ đem trái cây đủ loại ra thử ngài. Rồi họ lại bảo:

- Trẻ con thích đồ chơi.

Thế là họ đem đồ chơi bằng vàng, các hình voi ngựa v.v... đến gần ngài. Các trẻ kia giành nhau như thể đoạt chiến lợi phẩm, nhưng Bồ-tát không buồn nhìn đến chúng và cứ thế suốt cả năm ròng họ đem đồ chơi ra thử ngài. Rồi họ lại bảo nhau:

- Có một thức ăn đặt biệt đối với một trẻ lên bốn, ta thử xem sao.

Thế là họ đem ra đủ loại thức ăn, các trẻ kia bẻ chúng ra từng miếng ăn ngay, nhưng Bồ-tát tự nhủ: "Này Temiya, trong quá khứ đã có vô số kiếp mà ngươi chẳng được ăn uống gì cả". Và vì sợ đọa địa ngục ngài chẳng nhìn các món ăn, cho đến khi lòng mẹ ngài muốn tan nát ra vì đau khổ, chính tay bà phải cho ngài ăn.

Sau đó họ bảo nhau:

- Trẻ con năm tuổi thường sợ lửa, ta hãy thử xem sao.

Rồi họ bảo làm một ngôi nhà lớn có nhiều cửa, che bằng lá cây tala (cọ dừa), họ đặt ngài giữa đám trẻ con rồi nổi lửa lên. Ðám trẻ la hét chạy trốn, nhưng Bồ-tát tự nhủ thế này còn hơn các khổ hình ở địa ngục. Vì vậy ngài hoàn toàn ngồi yên như thể vô tri giác nên khi lửa đến gần, họ đành mang ngài đi nơi khác.

Sau đó họ bảo nhau:

- Trẻ con sáu tuổi thường sợ voi lung.

Thế là họ bảo luyện một con voi cho thuần tính, rồi họ để Bồ-tát ngồi cùng đám trẻ trong sân rồng và thả voi ra. Voi rống to, lấy vòi dậm đất thình thịch khiến ai nấy khiếp đảm. Ðám trẻ chạy tứ tán vì sợ nguy đến tính mạng. Riêng Bồ-tát vì sợ địa ngục, vẫn ngồi yên. Con voi đã được huấn luyện kỹ, nhấc ngài lên rồi đặt xuống và bỏ đi chứ không hại ngài.

Ðến khi ngài được bảy tuổi, lúc ngồi chơi có đám bạn ngồi vây quanh ngài, họ thả ra bầy rắn đã bị nhổ hết răng và buột miệng chặt lại, bọn trẻ la hét bỏ chạy, nhưng Bồ-tát nhớ lại những nỗi kinh hoàng ở địa ngục, nên vẫn ngồi yên, tự nhủ: "Thà chết vì miệng rắn độc còn tốt hơn". Rồi bầy rắn vây quanh thân ngài và cuộn vòng tròn trên đầu ngài nhưng ngài vẫn ngồi bất động. Cứ thế họ thử ngài mãi nhưng vẫn không khám phá ra chỗ yếu của ngài. Sau đó họ bảo nhau:

- Thiếu nhi thường thích hội hè.

Thế là họ đem ngài vào sân rồng cùng năm trăm trẻ kia và cho một bầy hề họp lại làm trò. Lũ trẻ thấy bầy hề liền la hét cổ võ và cười đùa vang dội, nhưng Bồ-tát tự nhủ thầm, nếu ngài thác sinh vào địa ngục sẽ không bao giờ được một phút cười vui, nên ngài vẫn ngồi yên, suy nghĩ đến địa ngục và không hề để mắt đến đám hề nhảy múa. Họ cứ thử ngài như thế mãi, vẫn không tìm ra chỗ yếu của ngài. Rồi họ bảo nhau:

- Ta hãy lấy kiếm ra thử xem sao.

Thế là họ đặt ngài ngồi giữa sân rồng trong khi đám trẻ đang chơi đùa, bỗng một người đàn ông chạy vụt qua bọn chúng, vung kiếm sáng loáng như gương vừa nhảy vừa la to:

- Con quỷ của vua Kàsi đâu rồi, ta sẽ cắt đầu nó đây.

Ðám trẻ thấy vậy kinh hãi chạy trốn, la hét ầm ỹ. Nhưng Bồ-tát đã suy nghĩ nhiều về những nỗi kinh hoàng ở địa ngục, nên vẫn ngồi yên bất động như thể vô tri giác, dù người đó cọ xát thanh kiếm trên đầu ngài và dọa cắt cổ, cũng không làm ngài kinh hoàng, nên cuối cùng gã phải bỏ đi. Thế là dù thử ngài nhiều lần như thế, họ vẫn không tìm ra điểm yếu của ngài.

Khi ngài lên mười tuổi, họ muốn thử xem ngài có điếc thật không, liền treo một cái màn quanh giường, có đục lỗ bốn phía và đặt ống thổi hơi bằng vỏ ốc dưới đó mà không cho ngài biết. Họ đồng loạt thổi qua vỏ ốc bật ra một tiếng vang ầm ỹ, nhưng đám quần thần dù đứng cả bốn phía nhìn xuyên qua những lỗ trên màn suốt ngày vẫn không tìm ra được một dấu hiệu ngài bị rối trí hay cựa quậy tay chân, ngay cả một cái giật mình cũng không có.

Một năm ròng trôi qua như vậy, rồi họ lấy trống thử một năm nữa vẫn không khám phá ra điểm yếu của ngài.

Sau đó họ bảo:

- Ta lấy đèn ra thử xem.

Thế là để thử xem trong đêm tối ngài có cử động tay chân không, họ thắp đèn trong các bình thủy tinh sau khi đã tắt hết mọi đèn khác. Họ dấu các đèn thủy tinh trong bóng tối một lát rồi thình lình giơ cao các ngọn đèn ấy lên, tạo ra một luồng sáng lòa đồng loạt để xem cử chỉ ngài ra sao. Nhưng dù họ thử ngài như vậy cả năm trời, họ vẫn không thấy ngài giật mình lần nào cả.

Thế rồi họ bảo nhau:

- Ta lấy mật mía thử xem sao.

Và họ bôi mật mía khắp thân ngài, đặt ngài vào một nơi đầy ruồi nhặng rồi xua chúng ra. Chúng bu đặc trên thân ngài và chích ngài như kim châm nhưng ngài vẫn nằm như thể vô tri giác. Cứ thế suốt năm ròng họ thử ngài nhưng vẫn không khám phá ra nhược điểm nào.

Ðến năm ngài lên mười bốn tuổi, họ bảo nhau:

- Bây giờ đã lớn rồi, thiếu niên này chỉ thích sạch sẽ và ghét dơ bẩn, vậy ta lấy đồ dơ ra thử xem.

Thế là từ đó họ không cho ngài tắm rửa, súc miệng hay tẩy uế thân thể cho đến khi ngài bị đẩy vào một tình cảnh vô cùng khốn khổ như tên tù giam lỏng.

Khi ngài nằm mình mẩy đầy ruồi nhặng, mọi người vây quanh nhạo báng ngài:

- Này Temiya, cậu đã lớn rồi, còn ai hầu hạ cậu nữa, cậu không hổ thẹn sao cứ nằm đó mãi, dậy và tắm rửa cho sạch sẽ".

Nhưng ngài nhớ lại những nỗi thống khổ đọa đày ở địa ngục Gù tha (Phân dơ) nên ngài vẫn nằm bất động trong tình trạng dơ bẩn khổ sở đó. Suốt năm trường họ vẫn không tìm ra nhược điểm nơi ngài.

Sau đó họ đặt những chảo lửa dưới giường ngài, và bảo nhau:

- Khi vương tử bị lửa nóng hành hạ, sẽ không chịu nổi và sẽ tỏ dấu hiệu đau đớn quằn quại.

Những vết bỏng dường như muốn nứt ra trên người ngài, nhưng ngài vẫn nhẫn nhục tự nhủ: "Lửa ở địa ngục Avìci (A-tỳ hay Vô gián) tỏa lan ra cả trăm dặm, chứ ngọn lửa này còn dễ chịu hơn trăm, ngàn lần". Vì thế ngài nằm bất động. Vua cha và vương hậu lòng đau như cắt, bảo đám cận thần trở lại đem ngài ra khỏi lửa và năn nỉ ngài:

- Này Temiya, ta biết con sinh ra không què quặt vì người què không thể có tay chân mặt mày như con được. Ta đã sinh được con sau bao năm cầu tự, vậy con đừng làm tuyệt dòng họ ta, hãy tránh cho ta khỏi bị sự chê trách của các vua trong cõi Jambudìpa (Diêm-phù-đề, Ấn- Độ).

Nhưng dù họ van xin thế nào đi nữa ngài vẫn nằm im bất động như không nghe thấy gì. Thế là phụ vương và mẫu hậu đành khóc lóc và bỏ đi.

Thỉnh thoảng phụ vương hay mẫu hậu trở lại một mình van xin ngài như thế cả năm ròng nhưng vẫn không khám phá ra nhược điểm của ngài.

Ðến khi ngài lên mười sáu tuổi, họ suy nghĩ: "Dù què quặt câm điếc đi nữa, không ai lớn lên lại không thích hưởng lạc, ghét điều bất lạc. Chuyện này đến thời hạn thì cũng tự nhiên như hoa nở đó thôi. Vậy ta sẽ bảo đóng tuồng cho con ta xem thử sao". Vì thế họ triệu tập một số nữ nhân thật đẹp như tiên và giao hẹn rằng nàng nào làm được cho vương tử cười to hay gây cho ngài tư tưởng dục vọng thì sẽ được tôn làm chánh hậu. Rồi họ tắm cho ngài bằng nước thơm và trang điểm cho ngài thật đẹp như thiên thần, đặt ngài nằm trên long sàng ở trong một dãy cung thất trang hoàng như các động tiên. Nội thất của ngài được xông sực nức đủ mùi hương hoa, thuốc cao, trầm, linh tửu đủ loại . . . và họ rút lui.

Trong lúc đó, đám nữ nhân cứ vây quanh ngài tìm cánh làm vui lòng ngài với tiếng ca, điệu múa cùng những lời lẽ êm dịu ngọt ngào, nhưng ngài nhìn chúng bằng trí tuệ tối thắng và bế hết hơi thở vô ra vì sợ chúng đụng vào thân ngài, vì thế là cơ thể ngài thành cứng đờ. Chúng không thế nào đụng vào ngài được, liền tâu với vua cha:

- Cơ thể vương tử cứng đờ, ngài không phải là người, mà có lẽ là quỉ dữ.

Như vậy, cha mẹ ngài, dù trong mười sáu năm liền thử thách ngài bằng mười sáu cách ghê rợn, cùng nhiều lối thử lặt vặt khác, cũng không thể nào khám phá chỗ yếu của ngài. Thế là vua cha đầy phẫn nộ, cho triệu tập đám thầy tướng số đến bảo:

- Khi vương tử ra đời, các ngươi đã bảo là vương tử tốt số có đủ mọi điềm lành và không có dấu hiệu bất tường nào. Nhưng vương tử sinh ra đã què, câm, điếc. Thế là lời các ngươi không đúng sự thật.

Họ đồng đáp:

- Tâu Ðại vương, không có gì các đạo sư của ngài không thấy cả, nhưng chúng thần biết ngài sẽ buồn khổ ghê gớm ra sao nếu chúng thần nói rằng hoàng nam do cả triều cầu tự này lại bạc phước, vì thế chúng thần không nói ra điều đó.

- Vậy phải làm thế nào đây?

- Tâu Ðại vương, nếu vương tử ở lại trong cung sẽ có ba mối hiểm họa đe dọa tính mệnh của Ðại vương hoặc ngôi báu của ngài hoặc cho Chánh hậu. Vậy thì thượng sách là xin cho vài con ngựa yếu hèn buộc vào một cỗ xe thật xui xẻo rồi đặt vương tử lên đó, đưa qua cửa Tây và đem chôn vương tử trong nghĩa địa.

Vua đồng ý, vì sợ các hiểm họa sẽ xảy ra. Khi vương hậu hay tin, và vội đến gặp vua:

- Tâu Chúa thượng, Chúa thượng đã ban cho thần thiếp một lời ước và thần thiếp vẫn chưa thỉnh nguyện, vậy giờ đây xin ban cho thiếp ân huệ đó.

- Ái hậu cứ thỉnh cầu.

- Xin Chúa thượng hãy trao ngôi báu cho con thiếp.

- Không thể được, này ái hậu, con trai của khanh quá bạc phước.

- Nếu Chúa thượng không ban cho con trai thiếp cả đời, thì hãy cho con trai thiếp làm vua trong bảy năm.

- Không thể được đâu, ái khanh.

- Vậy thì trong sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm hoặc bảy tháng, sáu, năm, bốn, ba, hai, một tháng hoặc nửa tháng.

- Không thể được, ái khanh.

- Thế thì bảy ngày vậy.

- Thôi được rồi, ái hậu nhận lấy ân huệ này.

Thế là vương hậu ra lệnh cho các cung nữ trang điểm vương tử thật lộng lẫy và cả kinh thành phải chưng bày thật đẹp mắt. Rồi một lệnh được truyền đi cùng với tiếng trống vang dội:

- Ðây là triều đại của thái tử Temiya.

Và ngài được đặt trên mình voi đi ngất ngưỡng khắp kinh thành với chiếc lọng trắng trên đầu. Khi trở về, ngài được đặt trên long sàng, vương hậu lại van xin suốt đêm:

- Vương tử Temiya con ơi, vì con trong mười sáu năm qua mẹ đã khóc than và không hề ngủ được. Mắt mẹ đã khô ráo hẳn, lòng mẹ đã tan nát vì buồn phiền. Mẹ biết, con không thật què quặt câm điếc gì, đừng làm mẹ khốn khổ tuyệt vọng nữa.

Cứ thế bà van xin ngài hết ngày này qua ngày khác trong năm hôm liền. Qua ngày thứ sáu, vua triệu người quản xa Sunanda đến bảo:

- Sáng sớm mai ngươi hãy cột vài con ngựa thật xấu xa vào một cỗ xe thật xui xẻo, bỏ vương tử vào, đem ra cửa tây và đào một hố có bốn góc trong nghĩa địa, ném nó vào, lấy xẻng đập đầu nó và giết chết nó đi, rồi lấp đất lên thành một đống cao, xong tắm rửa sạch sẽ rồi trở về đây.

Ðêm thứ sáu đó, vương hậu lại van xin:

- Con ơi , vua Kàsi đã ra lệnh ngày mai đem chôn con vào nghĩa địa, ngày mai chắc con phải chết rồi con ạ.

Khi Bồ-tát nghe nói vậy, ngài nghĩ thầm rằng: "Này Temiya, hoạn nạn của ngươi trong mười sáu năm đã mãn", và ngài vui mừng lắm nhưng lòng mẹ ngài dường như tan nát thành hai mảnh. Tuy thế ngài không muốn gì với bà, sợ rằng ước nguyện của ngài không thành tựu. Hết đêm đó, mới sáng tinh sương người quản xa Sunanda đã lái cỗ xe đến trước cổng thành, vào hoàng cung tâu:

- Xin Vương hậu chớ giận dữ, đây là lệnh của Ðại vương.

Nói xong trong khi vương hậu đang ôm con trong lòng, gã lấy tay đẩy bà ra, nhấc hoàng tử lên nhẹ như một đóa hoa và ra khỏi cung. Hoàng hậu còn lại trong phòng đấm ngực than khóc thảm thiết.

Khi đó Bồ-tát nhìn mẹ và nghĩ: "Nếu ta không nói mẹ ta sẽ chết vì buồn phiền". Nhưng dù ngài định nói, ngài lại suy nghĩ: "Nếu ta nói thì công phu của ta trong mười sáu năm sẽ trở thành tro bụi, còn nếu ta không nói thì ta sẽ cứu được chính ta và cả cha mẹ ta nữa".

Sau đó người quản xa nhấc ngài lên xe và bảo:

- Ta sẽ lái xe qua cửa tây.

Nhưng gã lại lái xe qua cửa đông, và bánh xe lăn chạm mạnh vào bậc thềm. Bồ-tát nghe tiếng động nhủ thầm: " Ước nguyện của ta đã đạt rồi". Lòng ngài càng hoan hỷ lên.

Khi xe ra khỏi kinh thành, nó đã đi được chừng ba dặm nhờ các thần trợ lực, thì đến khoảng cuối một khu rừng mà người lái xe tưởng như là nghĩa địa. Vì thế gã nghĩ rằng đây là chỗ thích hợp, gã liền quay xe ra khỏi đường cái, dừng bên đường, bước xuống, lấy hết đồ trang hoàng của Bồ-tát cột thành một bó, đặt xuống đất rồi lấy xẻng ra bắt đầu đào hố.

Lúc đó Bồ-tát nghĩ: "Ðây là lúc ta phải vận dụng tận lực, mười sáu năm qua ta không hề cử động tay chân, không biết nay ta có điều khiển chúng được chăng? Thế là ngài đứng dậy, chà xát tay phải với tay trái, tay trái với tay phải, chà hai tay vào hai chân rồi quyết định bước ra khỏi xe. Khi chân ngài chạm đất, đất dội lên như cái túi da đầy khí và ngài sờ đuôi xe. Sau khi xuống xe, đi lui đi tới vài vòng ngài cảm thấy đã dư sức đi như thế này trong một trăm dặm một ngày.

Rồi ngài lại nghĩ: "Nếu gã lái xe chống đối ta, ta có đủ sức chống lại gã chăng?". Vì thế ngài cầm lấy đuôi xe, nhấc nó lên như đồ chơi trẻ con và ngài tự nhủ: "Ta đủ sức chống lại gã". Khi ngài nhận thức điều này, lòng ngài khởi lên một ước muốn được trang hoàng cho thật đẹp. Vào lúc ấy, cung Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) nóng rực lên. Thiên chủ Sakka tìm ra duyên cớ, liền bảo:

- Ước nguyện của Vương tử Temiya đã thành tựu rồi, ngài muốn được trang hoàng cho đẹp. Ngài có cần gì đồ trang sức của hạ giới?".

Vì thế Thiên chủ truyền Thiên thần Vissakamma đem đồ trang sức thiên giới ra tô điểm cho con trai vua Kàsi. Vị này quấn lên mình vương tử cả vạn tấm vải vóc tua tỏ và trang điểm ngài bằng đủ loại trang sức của thiên đình lẫn hạ giới, chẳng khác nào Thiên chủ Sakka. Vương tử được điểm tô đủ mọi oai nghi lộng lẫy của một vị Thiên chủ, đi đến bên bờ hố mà người lái xe đang đào, vừa đứng vừa ngâm vần kệ thứ ba:

3. Sao chú lái xe lại vội vàng
Bới đào hố nọ ở bên đàng,
Trả lời câu hỏi ta thành thật:
Ngươi muốn làm gì hố ấy chăng?

Người lái xe vẫn tiếp tục đào hố không ngước mắt lên nhìn và ngâm vần kệ thứ tư:

4. Chúa thượng của ta thấy thiếu nhi
Bi què, câm, điếc, thật ngu si,
Nên ta được lệnh đi đào hố
Chôn bỏ chàng cho rảnh mắt đi.

Bồ-tát đáp lời:

5. Hiền hữu, ta không bị điếc câm,
Và ta cũng chẳng bị què chân,
Nếu chôn ta ở trong rừng rậm,
Ngươi sẽ phạm vào tội sát nhân.

6. Hãy ngắm tay chân đây của ta,
Và nghe giọng nói thốt lời ra:
Ngươi sẽ, hôm nay, mang trọng tội
Nếu chôn ta ở chốn rừng già.

Lúc đó người lái xe hỏi:

- Ai đấy? Chỉ từ lúc ta tới đây người mới lộ nguyên hình như người tả.

Vì thế gã dừng đào hố, ngước mắt lên chiêm ngưỡng dung mạo sáng ngời của ngài, gã không biết ngài là người hay thần thánh liền ngâm kệ:

7. Chàng là nhạc sĩ hoặc Thiên thần,
Hay chính Sak-ka Thiên chủ chăng?
Xin nói là con ai đấy nhỉ,
Tên gì ta sẽ gọi danh xưng?

Lúc ấy, Bồ-tát vừa lộ diện vừa thuyết Pháp và ngâm kệ:

8. Chẳng là nhạc sĩ hoặc Thiên thần,
Cũng chẳng Sak-ka, đấng Ngọc hoàng,
Ta chính Kà-si vương tử ấy
Ngươi đem chôn sống thật hung tàn.

9. Ta chính con vua triều đại này
Ngươi đang phục vụ hiển. vinh thay,
Nếu đem ta đến đây chôn sống,
Ngươi sẽ phạm vào trọng tội ngay.

10. Nếu dưới gốc cây, ta nghỉ chân,
Tàn cây đổ bóng để che thân,
Ta không bẻ một cành dù nhỏ,
Chỉ kẻ ác làm hại bạn thân.

11. Cây che chỗ ấy chính là vua,
Ta chính là cành lá tỏa ra,
Ngươi lái xe là người lữ khách
Nằm ngồi ở dưới bóng cây mà.
Tội to giáng xuống đầu ngươi đó,
Nếu ở rừng này chôn sống ta.

Nhưng dù Bồ-tát nói vậy, gã này vẫn không tin ngài. Vì thế Bồ-tát quyết định thuyết phục gã, nên ngài làm cho cả khu rừng vang dậy tiếng nói của ngài và lời tán thán của chư Thiên, trong khi ngài bắt đầu ngâm mười vần kệ này để tôn vinh tình bằng hữu:

12. Một kẻ trung thành với bạn thân,
Dù đi phiêu bạt khắp xa gần,
Nhiều người hoan hỷ đem cung phụng
Thực phẩm tất nhiên được hiến dâng.

13. Dù đất nước nào phiêu bạt qua,
Kinh thành, thị trấn khắp gần xa,
Kẻ nào chung thủy cùng bằng hữu
Cũng được vinh quang danh vọng mà.

14. Không đạo tặc nào dám tổn thương,
Cũng không võ tướng dám khinh nhờn,
Người nào trung tín cùng bằng hữu
Sẽ thoát khỏi bao kẻ oán hờn.

15. Người ấy hoàn hương, thảy đón chào,
Lòng không mòn mỏi với ưu sầu;
Kẻ nào chung thủy cùng bằng hữu
Giữa đám bà con, đệ nhất cao.

16. Tôn vinh người, lại được tôn vinh,
Ðược kính trọng và đáp thịnh tình.
Một kẻ trung thành cùng bạn hữu
Nhận phần vinh hiển khắp quần sinh.

17. Người nào biết quý trọng người đời,
Sẽ được mọi người quý trọng thôi;
Một kẻ trung thành cùng bạn hữu
Phần mình được tiếng tốt cao vời.

18. Kẻ ấy giống như lửa cháy bừng
Tỏa ra ánh sáng tựa Thiên thần,
Người nào trung tín cùng bằng hữu
Chiếu ánh huy hoàng rực rỡ luôn.

19. Trâu bò tăng trưởng thật là nhanh,
Hạt giống thường xuyên mọc tốt lành;
Một kẻ trung thành cùng bạn hữu
Tất nhiên gặt hái mọi công thành.
20. Nếu bị rơi từ đỉnh núi cao,
Hoặc từ cây cối hoặc hang hào,
Người nào chung thủy cùng bằng hữu
Cũng thấy đất bằng vững chắc sao.

21. Cây đa thách đố mọi cuồng phong
Cành lá mọc quanh gốc rễ chung,
Kẻ biết trung thành cùng bạn hữu,
Oán hờn cừu địch thảy tiêu vong.

Dù ngài đã thuyết Pháp như vậy, gã Sunanda vẫn không nhận ra ngài và cứ hỏi ngài là ai. Nhưng rồi gã đến gần xe và trước khi thấy rõ chiếc xe cùng mọi thứ trang sức mà vương tử mang trên người ngài, gã đã nhận ra ngài trong lúc nhìn ngài, liền quỳ xuống chắp tay lại, ngâm kệ:

22. Ðến đây, này hỡi vị Vương gia,
Tôi sẽ xin đưa trở lại nhà,
Ngài ngự ngai vàng và trị nước,
Sao còn thơ thẩn chốn rừng già?

Bậc Ðại Sĩ đáp:

23. Ta không màng của cải, ngai vàng,
Chẳng thiết bạn thân hoặc họ hàng,
Vì chính ngôi vua ta đã đạt
Là do những ác nghiệp ta làm.

Người lái xe nói:

24. Chén rượu đón mừng, Thái tử ôi,
Ðược người chuẩn bị để chờ ngài,
Phụ vương, mẫu hậu đầy hoan hỷ
Sẽ tặng nhiều quà cho chính tôi.

25. Cung phi, mỹ nữ các vương gia,
Vệ xá, Bà-la-môn, mọi nhà,
Trong nỗi hân hoan đầy trọn vẹn,
Sẽ cho tôi hưởng thật nhiều quà.

26. Các vị cỡi voi, cỡi mã xa,
Bộ binh, vệ sĩ của hoàng gia
Sẽ cho tôi hưởng nhiều quà tặng
Khi Thái tử quay trở lại nhà.

27. Thần dân thành thị đến thôn quê
Tụ tập mừng vui, mở hội hè,
Sẽ tặng cho tôi nhiều lễ vật,
Khi nhìn Thái tử đã quay về.

Bậc Ðại Sĩ đáp:

28. Ta bị bỏ rơi bởi mẹ cha,
Kinh thành, thị trấn ờ gần xa,
Vương tôn bỏ mặc ta đành phận,
Ta chẳng có nhà của chính ta.

29. Mẫu hậu của ta cho phép đi,
Phụ vương cũng bỏ mặc hoàng nhi,
Trong rừng hoang vắng này đơn độc,
Ẩn sĩ ta nguyền hạnh xuất ly.

Ðang khi nhớ lại các công hạnh của mình, một nỗi hoan hỷ khởi lên trong lòng ngài, và trong niềm hạnh phúc cao độ ngài thốt lên khúc đạo ca toàn thắng:

30. Cũng giống những ai chẳng vội vàng
Ðạt thành nguyện ước của tâm can,
Quản xa hãy biết, hôm nay nhé,
Thánh hạnh ta thành đạt vẹn toàn.

31. Cũng giống những ai chẳng bước nhanh,
Tối cao cứu cánh được viên thành,
Ta đi, đầy đủ tâm thanh tịnh
Hoàn thiện, sợ gì giữa chúng sinh.

Người lái xe đáp lại:

32. Những lời ngài nói thật êm tai,
Chân thật, sáng trong, lý lẽ ngài,
Tại sao thuở trước đành câm lặng
Khi thấy song thân ở cạnh hoài?

Bậc Ðại Sĩ bảo:

33. Ta chẳng què vì thiếu khớp xương,
Cũng không điếc bởi thiếu tai thường,
Cũng không câm lặng vì không lưỡi,
Như dáng ta nay hiện rõ ràng.

34. Ta vẫn nhờ rành một kiếp xưa,
Trong tiền thân ấy được làm vua
Nhưng từ ngôi báu, ta rơi xuống
Ta thấy mình trong chốn ngục tù.

35. Hai mươi năm sống cảnh xa hoa
Trên chiếc ngai vàng chỉ thoáng qua,
Nhưng tám mươi ngàn năm địa ngục,
Ta đền tội ác đã gây ra.

36. Dư vị hoàng gia thuở đã qua
Làm kinh hãi ngập cả tâm ta,
Cho nên ta phải đành câm lặng
Dù thấy gần bên cạnh mẹ cha.

37. Phụ vương bồng bế trẻ vào lòng,
Nhưng giữa lúc đùa giỡn thiết thân,
Nghe lệnh vua ban đầy khắc nghiệt:
"Tức thì giết kẻ đại cường gian,
Hãy cưa xẻ nó ra từng mảnh,
Ðóng cọc tên kia chờ muộn màng".

38. Nghe lời hăm dọa thật kinh hồn,
Ta cố làm què lại điếc câm,
Lăn lóc trong bùn nhơ khốn khổ,
Làm người ngu dại cũng đành phần.

39. Biết rõ cuộc đời ngắn ngủi thay,
Sầu bi khổ não lại tràn đầy,
Ai vì đời sống mà khơi dậy
Sân hận cho người khác khổ lây?

40. Ai vì đời sống hại tha nhân,
Ðể mặc cho mình trút hận sân,
Vì muốn dành quyền cầm chánh lý
Và mù quáng trước lẽ công bằng?

Lúc đó gã Sunanda suy nghĩ: "Vương tử này từ bỏ vàng son cung điện như thể bỏ thây ma, nay vào rừng cương quyết sống đời ẩn sĩ, thế thì ta còn làm gì với cuộc đời khốn nạn này nữa? Thôi ta cũng muốn làm ẩn sĩ như ngài cho rồi". Gã liền ngâm kệ:

41. Tôi cũng ước mong chọn cuộc đời
Của người khổ hạnh ở cùng ngài,
Xin ngài hãy gọi tôi, Vương tử,
Ẩn sĩ, như ngài muốn vậy thôi.

Khi nghe gã thỉnh cầu, bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: "Nếu ta nhận ngay gã này làm ẩn sĩ, thì cha mẹ ta không đến đây được và như thế sĩ chịu thiệt thòi, rồi ngựa xe và các vật trang sức này sẽ bị huỷ hoại. Ta sẽ bị buộc tội vì người đời sẽ bảo: "Hắn là quỷ dữ đã nuốt sống người lái xe". Vì thế muốn tránh tiếng xấu cho mình và đem lại an lạc cho cha mẹ, ngài giao ngựa xe và các thứ trang sức lại cho gã rồi ngâm kệ:

42. Trước tiên đem trả lại vương xa,
Ngươi chẳng phải người được tự do,
Trả nợ trước tiên, đời vẫn bảo,
Rồi sau nguyền khổ hạnh ly gia.

Người lái xe nghĩ thầm: "Nếu ta về kinh thành trong lúc ngài bỏ đi nơi khác, rồi khi cha mẹ ngài hay tin ngài còn sống, sẽ cùng đến đây với ta để gặp ngài mà không tìm thấy ngài, họ sẽ trừng phạt ta. Thôi ta phải nói rõ hoàn cảnh này của ta cho ngài biết và xin ngài hứa ở lại đây".

Vì thế gã ngâm hai vần kệ:

43. Vì lẽ tôi theo lệnh của ngài,
Thỉnh cầu Vương tử hãy nghe tôi,
Xin ngài hãy rộng lòng hoan hỷ
Làm những việc tôi sẽ mở lời:

44. Xin hãy làm ơn nán lại chờ
Ðến khi tôi thỉnh được vương gia,
Phụ vương sẽ ngập tràn hoan hỷ
Nhìn thấy dung nhan Vương tử mà.

Bậc Ðại Sĩ đáp:

45. Mong được như ngươi nói, quản xa,
Ta đây hoan hỷ gặp vua cha,
Mau đi chào hỏi toàn gia tộc,
Ðặc biệt vấn an cha mẹ ta.

Người lái xe tuân lệnh.

46. Rồi gã quản xa dậm bước chân
Tỏ lòng cung kính thật ân cần,
Bắt đầu công cuộc hành trình ấy
Như mệnh lệnh ban của chủ nhân.

Vào lúc ấy Vương hậu Candà mở cửa, bà đang bồn chồn đợi tin con, cứ nhìn ra phía con đường người lái xe trở về, nên khi thấy gã về một mình, bà thét lên than khóc.

*

Bậc Đạo Sư tả cảnh ấy như sau:

47. Khi thấy một mình gã quản xa,
Chiếc xe trống vắng, chợt nhìn ra,
Tâm hồn tràn ngập niềm lo sợ,
Mắt mẹ hiền dâng lệ ướt nhòa:

48. Người quản xa kia mới trở về,
Con ta bị giết ở đằng kia,
Rừng hoang hiu quạnh con nằm đó,
Ðất lại hòa cùng đất phủ che.

49-50. Cừu nhân cực ác sẽ hân hoan
Thấy kẻ sát nhân được vạn an,
Câm điếc, lại què chân, thử hỏi,
Làm sao con cất tiếng kêu van,
Nằm trên nền đất bơ vơ quá,
Con chiến đấu sao với sức tàn?

51. Tay chân con chẳng đủ công năng
Xô đẩy ngươi ra để thoát thân,
Trong lúc nằm trên nền đất lạnh,
Mặc dù câm điếc lại què chân?

Người lái xe tâu:

52. Lệnh bà, xin thứ tội cho tôi,
Xin để cho tôi được mở lời,
Tôi sẽ kể bà nghe tất cả
Những gì tôi đã thấy nghe rồi.

Vương hậu đáp:

53. Ta nay hứa thứ tội cho ngươi,
Ta để cho ngươi được mở lời,
Hãy kể cho ta nghe tất cả
Những gì ngươi đã thấy nghe rồi.

Người lái xe liền tâu:

54. Ngài không câm điếc, chẳng què chân,
Giọng nói ngài trôi chảy, sáng trong,
Ngài đóng vai trò kia giả dạng
Bởi vì ngài sợ chốn vương cung.

55. Ngài vẫn nhờ rành một kiếp xưa,
Trong tiền thân ấy được làm vua,
Nhưng từ ngôi báu, ngài rơi xuống
Ngài thấy mình trong chốn ngục tù.

56. Hai mươi năm sống cảnh xa hoa
Trên chiếc ngai vàng chỉ thoáng qua,
Nhưng tám mươi ngàn năm địa ngục
Ngài đền tội ác đã gây ra.

57. Dư vị hoàng gia một thuở xưa
Làm ngài kinh hãi ngập tâm tư,
Cho nên ngài phải đành câm lặng
Dù thấy gần bên cạnh mẹ cha.

58. Thân thể ngài nay được kiện toàn,
Cao sang tuyệt mỹ, dáng hùng cường,
Giọng ngài trong sáng, tâm minh mẫn,
Ngài chọn đời thanh tịnh bước đường.

59. Nếu lệnh bà mong muốn gặp con,
Tức thì hãy đến đó cùng thần,
Ngắm nhìn Vương tử Te-my ấy
An tịnh, thong dong thật vẹn toàn.

Nhưng khi vương tử cho người lái xe đi rồi, ngài muốn thực hiện ngay lời nguyền khổ hạnh. Biết được ước nguyện đó, Thiên chủ Sakka truyền gọi Vissakàmma (Thần xây dựng) và bảo:

- Vương tử Temiya nguyền khổ hạnh, vậy khanh hãy dựng cho ngài một túp lều lá với đủ vật dụng cần thiết của một ẩn sĩ.

Vì thế vị ấy vội ra đi, và đến một khu rừng rộng chừng ba dặm, vị ấy dựng một am ẩn sĩ có một gian dành để ở ban đêm và một gian để ở ban ngày, có một hồ nước, một cái giếng, nhiều cây ăn trái và chuẩn bị đầy đủ mọi vật dụng cần thiết cho một vị tu khổ hạnh rồi ra về.

Khi Bồ-tát thấy cảnh này, ngài biết đây là lễ vật cúng dường của Thiên chủ Sakka. Vì thế ngài bước vào lều, cởi trang phục của mình ra, mặc vào bộ y bằng vỏ cây màu đỏ, cả y trên lẫn y dưới và đắp tấm da hươu đen một bên vai, buộc mới tóc được bện chặt của ngài lại, rồi mang đòn gánh lên vai kia, cầm cây gậy và bước ra khỏi lều. Ngài đi quanh quẩn trong bộ y khổ hạnh ấy và đắc thắng nói to:

- Ôi cực lạc! Ôi cực lạc!

Rồi trở về lều, ngồi kiết-già trên tấm thảm vải, ngài chứng đắc Năm Thắng trí (Năm Thần thông).

Buổi chiều ngài bước ra lượm vài lá cây kàra gần đó, nhúng vào bình bát nước của Thiên chủ Sakka cúng dường ngài, không có tý muối, chút bơ hay gia vị gì cả. Ngài ăn lá cây như thể ăn cao lương mỹ vị, rồi trong khi ngài quán sát Tứ Vô lượng tâm (Từ, bi, hỷ, xả), ngài quyết định an trú ở đó.

Trong lúc ấy vua Kàsi nghe lời gã Sunanda tâu, liền triệu tập vị tể tướng vào, ra lệnh thu xếp cuộc hành trình, vua phán:

60. Thắng đủ ngựa vào các cỗ xe,
Buộc cân đai cả đám voi kia,
Tù và, trống nhỏ khua vang khắp,
Ðánh dậy trống to cả tứ bề!

61. Trống cao ầm ỹ tận không gian,
Trống nhỏ âm vang thật dịu dàng,
Tất cả kinh thành theo gót trẫm,
Ta đi lần nữa đón hoàng nam.

62. Các vương phi, tất cả hoàng gia,
Vệ-xá, Bà-la-môn trẻ, già,
Hết thảy thắng cương xe ngựa sẵn,
Ta đi đón Thái tử về nhà.

63. Các vị cởi voi, cỡi mã xa,
Bộ binh, vệ sĩ của hoàng gia,
Mọi người chuẩn bị lên đường gấp,
Ta đến đón Vương tử lại nhà.

64. Thần dân thành thị đến thôn quê,
Khắp nẻo đường đông đảo tựu tề,
Tất cả sẵn sàng theo gót trẫm,
Ta đi đón Thái tử quay về.

Thế rồi đám quản xa ra lệnh thắng yên cương ngựa xong, đem xa giá đến trước cung môn, rồi thông báo để vua biết.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh này như sau:

65. Ngựa Sindh dòng giống tuyệt cao sang
Nai nịt yên cương trước ngọ môn,
Các quản xa trình tin tức đến:
"Cả đoàn chờ yết kiến long nhan".

Nhà vua phán:

66. "Bầy ngựa bất kham hãy loại ra,
Ðừng đem ngựa yếu đến xe ta".
Lệnh vua như vậy vừa ban xuống,
Tuân phục tức thì đám quản xa.

Quần hầu bảo đám quản xa:

- Ðừng đem theo các loại ngựa như thế.

Trước khi đi đón con, vua triệu tập bốn đẳng cấp trong triều, mười tám hội đoàn và toàn quân đội cũng tập họp trong ba ngày. Vào ngày thứ tư, sau khi đã đem tất cả đoàn tùy tùng lên đường, vua ngự giá đến thảo am ẩn sĩ. Ngài được Vương tử đón tiếp tại đó và đáp lễ con theo đúng nghi thức.

*

Bậc Đạo Sư tả cảnh này như sau:

67. Lúc ấy vương xa đã sẵn sàng,
Không còn trì hoãn, đấng quân vương
Bước lên, gọi các bà phi hậu: 
"Tất cả cùng ta tiến bước đường".

68. Với quạt đuôi trâu, mão đội đầu,
Lọng vua màu trắng ở trên cao,
Ngài lên ngự giá vương xa ấy,
Trang điểm ngọc vàng tuyệt mỹ sao.

69. Rồi nhà vua lập tức đăng trình
Cùng gã quản xa ở cạnh mình,
Vội vã ngài đi ngay đến chốn
Te-mi-ya trú thật thanh bình.

70. Vương tử Te-mi thấy phụ vương
Ðến đây, lộng lẫy, đại huy hoàng,
Quanh mình chiến sĩ đoàn hầu cận,
Vì vậy ngài lên tiếng nói rằng:

71. "- Phụ vương, con chắc được an bình,
Cha có đủ tin tức tốt lành,
Con chắc các vương phi, mẫu hậu
Thảy đều khang kiện ở triều đình?"

72. "- Này con, cha vẫn được an bình,
Cha có đủ tin tức tốt lành,
Tất cả các vương phi, mẫu hậu,
Quả đều khang kiện ở triều đình".

73. "- Con chắc cha không uống rượu men,
Rượu nồng các loại thảy đều kiêng,
Trí tâm cha vẫn luôn thành khẩn
Bố thí và hành động chính chuyên?"

74. "- Thật vậy, cha không đụng rượu men,
Rượu nồng các loại thảy đều kiêng,
Trí tâm cha vẫn luôn thành khẩn
Bố thí và hành động chính chuyên.

75. "-Bầy ngựa và voi của phụ vương,
Con mong đều mạnh khỏe hùng cường,
Không con nào phải mang thân bệnh,
Không có yếu hèn hoặc bất tường".

76. "-Vâng, các bầy voi của phụ vương,
Và bầy ngựa mạnh khỏe, hùng cường,
Không con nào phải mang thân bệnh
Không có yếu hèn hoặc bất tường".

77. "- Biên thùy cùng địa phận trung ương,
Tất cả đều trù mật, lạc an,
Xin hỏi các nơi này có đủ
Các ngân khố với các kho tàng?

78. Phụ vương, nay trẻ đón chào mừng,
Hạnh ngộ giờ đây với phụ thân,
Hãy đặt vương sàng ra tại chỗ
Ðể ngài an tọa, hỡi ba quân!"

Nhà vua vì tỏ lòng cung kính đối với bậc Ðại Sĩ nên không muốn ngự trên long sàng. Bậc Ðại Sĩ liền nói:

- Nếu phụ vương không muốn ngự long sàng, hãy đem tọa sàng kết bằng lá trải cho ngài.

Rồi ngài ngâm kệ:

79. Xin hãy ngự trên thảm lá này,
Trải cho đẹp ý phụ vương đây,
Quân hầu lấy nước nơi này đến
Ðể rửa tay chân Chúa thượng ngay.

Nhưng nhà vua vì lòng cung kính con ngài nên không chịu ngồi trên giường lá, chỉ ngồi dưới đất. Lúc ấy Bồ-tát vào thảo am lấy ra cây kàra, vừa mời vua cha, vừa ngâm kệ:

80. Con không có muối, lá cây này
Là thực phẩm con sống mỗi ngày,
Cha đã đến đây làm khách quý,
Xin vui lòng nhận thức ăn vầy.

Vua cha đáp:

81. Lá cây không phải món cha ăn,
Ðem đến cho cha chén gạo trong,
Nấu với thịt hầm thơm dịu ngọt
Ðể làm thành một món canh ngon.

Ngay lúc ấy, vương hậu Candàdevì được các vương phi hộ tống vừa đến nơi liền ôm chân con đảnh lễ, ngồi xuống một bên, đầm đìa nước mắt. Nhà vua bảo bà:

- Này ái hậu, hãy xem thức ăn của vương nhi.

Và vua đặt vài ngọn lá trong tay bà cùng các vương phi kia. Các bà này cầm lá và kêu:

- Ôi vương tử, ngài ăn uống như thế kia sao, ngài chịu khổ hạnh biết dường nào.

Rồi họ ngồi xuống, lúc ấy nhà vua bảo:

- Ôi vương nhi thật kỳ diệu thay!

Và vua ngâm kệ:

82. Quả thật diệu kỳ đối với ta
Vương nhi cô độc phải lìa nhà,
Sống bằng thực phẩm nghèo hèn vậy,
Tuy thế con không đổi sắc da.

Vương tử đáp:

83. Trên thảm lá này được trải ra,
Con nằm cô độc ở rừng già,
Tọa sàng quả thật đầy an lạc,
Vì thế con không đổi sắc da.

84. Không đoàn vệ sĩ ác canh phòng
Bao bọc chung quanh với kiếm trần,
Sàng tọa thật là an lạc quá,
Nên màu da trẻ vẫn tươi hồng.

85. Con chẳng tiếc thương gì quá khứ,
Cũng không than khóc chuyện tương lai,
Con chờ hiện tại đang đi tới,
Nên sắc da con giữ được hoài.

86. Khóc than quá khứ đã qua rồi,
Còn chuyện tương lai bất định thôi,
Việc ấy làm khô sinh lực trẻ,
Như khi người cắt cỏ xanh tươi.

Nhà vua nghĩ thầm: "Thôi để ta tấn phong cho vương nhi rồi đem con về triều với ta". Vì thế ngài ngâm kệ mời vương tử về chung hưởng ngai vàng:

87. Con hỡi, các bầy tượng, mã, xa,
Bộ binh, kỵ sĩ của hoàng gia,
Lâu đài cung điện đầy hoan lạc,
Cha sẽ cho con tất cả mà.

88. Và các hậu cung, cha cũng ban
Với bao vinh hiển, mọi cao sang,
Con là vua ở ngôi duy nhất
Ngự trị, không ai ở cạnh con.

89. Mỹ nhân tài giỏi múa, đàn, ca,
Ðiêu luyện bao cung cách thướt tha
Ru cõi lòng con vào khoái lạc,
Sao còn thơ thẩn mãi rừng già?

90. Con gái của bao vị địch quân,
Tự hào hầu hạ cạnh con luôn,
Ðến khi sinh được nhiều vương tử,
Con hãy làm tu sĩ ẩn thân.

91. Con đầu lòng, kế vị cha đây,
Trong tuổi đầu xuân rực rỡ vầy,
Hãy tận hưởng ngai vàng trọn vẹn,
Con làm gì ở thảo am này?

Bồ-tát đáp lại:

92. Không, trẻ muốn từ giã thế gian,
Tránh bao phù phiếm ở phàm trần,
Cuộc đời khổ hạnh con yêu nhất,
Khuyên nhủ như vầy mọi trí nhân.

93. Không, con trẻ muốn xuất trần gian,
Ẩn sĩ đơn thân ở thảo am,
Con sẽ đi theo đời khổ hạnh,
Con không thiết phú quý, ngai vàng.

94. Con ngắm bé trai, miệng trẻ thơ
Vừa kêu bập bẹ "mẹ" cùng "cha",
Lớn lên thành một chàng trai tráng,
Rồi cũng già nua, phải chết mà.

95. Cũng vầy, thiếu nữ độ hoa cười,
Vui vẻ, đẹp xinh trước mọi người,
Phút chốc úa tàn vì lưỡi hái
Tử thần cắt bỏ tựa măng tươi.

96. Mọi người nam nữ dẫu còn xuân,
Phút chốc úa tàn, vậy thế nhân
Ai đặt lòng tin vào cuộc sống
Bị lừa phỉnh bởi tuổi xuân hồng?

97. Ðêm tàn, nhường chỗ ánh bình minh,
Phút chốc cũng thu ngắn lộ trình,
Như cá ở vùng khô cạn nước,
Nghĩa gì tuổi trẻ của nhân sinh?

98. Ðời này bị đánh ngã, đau thương,
Luôn bị canh phòng bởi địch quân,
"Chúng" mãi đi qua đầy ác ý,
Sao còn nói mão miện, ngai vàng?

99. Ai đánh ngã đời sống thế gian?
Nào ai canh giữ thật hung tàn?
Nào ai ác ý đi qua mãi?
Hãy nói chuyện huyền bí rõ ràng.

100. - Thần chết đánh tan thế giới này,
Tuổi già canh giữ cửa ta đây,
Chính đêm tối vẫn trôi qua mãi,
Ðạt thành mục đích chóng hay chầy.

101. Như khi bà nọ bên khung cửi
Ngồi dệt vải trong suốt cả ngày,
Công việc của bà dần ít lại,
Ðời ta tàn lụi cũng như vầy.

102. Như thể dòng sông cuồn cuộn trôi
Vẫn luôn trôi chảy chẳng hề lui,
Dòng đời thế tục là như vậy,
Cũng cứ luôn đi tới mãi thôi.

103. Như thể dòng sông cuốn thật xa
Những cây bật gốc ở đôi bờ,
Con người cũng chịu lao đầu tới
Hủy hoại do thần chết, tuổi già.

Khi nghe lời thuyết giảng của bậc Ðại Sĩ, vua sinh nhàm chán cuộc sống thế tục, chỉ muốn xuất gia, liền bảo:

- Ta không muốn trở về kinh thành nữa, ta sẽ sống đời tu hành tại đây, nếu con ta chịu về thành ta sẽ truyền trao cho cây lọng trắng này.

Vì thế vua cố thử mời mọc lần nữa để vương tử trở lại ngai vàng:

104. Con hỡi, các bầy tượng, mã, xa,
Bộ binh, ky sĩ của hoàng gia,
Lâu đài cung điện đầy hoan lạc,
Cha sẽ cho con tất cả mà.

105. Và các hậu cung, cha cũng ban
Với bao vinh hiển, mọi cao sang,
Con là vua ở ngôi duy nhất
Ngự trị, không ai ở cạnh con.

106. Mỹ nhân tài giỏi múa, đàn, ca,
Ðiêu luyện bao cung cách thướt tha,
Ru cõi lòng con vào khoái lạc,
Sao còn thơ thẩn mãi rừng già?

107. Con gái của bao vị địch quân
Tự hào hầu hạ cạnh con luôn,
Ðến khi sinh được nhiều vương tử,
Con hãy làm tu sĩ ẩn thân.

108. Công khố và kho báu của cha,
Bộ binh, ky mã của hoàng gia,
Ðền đài cung điện đầy hoan lạc,
Cha sẽ cho con tất cả mà.

109. Nô lệ từng bầy phụng sự luôn,
Vương phi, mỹ hậu để yêu thương,
Ngai vàng tận hưởng, đầy khang kiện,
Sao ở mãi đây chốn thảo đường?

Nhưng bậc Ðại Sĩ tỏ ra không chút gì ham thích ngai vàng:

110. Sao kiếm giàu sang chẳng vững bền,
Sao mong cầu vợ cũng quy tiên,
Sao suy nghĩ mãi về xuân sắc,
Thoáng chốc xuân xanh sẽ hết liền?
Còn lại tuổi già hăm dọa đó
Bao giờ cũng đứng cạnh triền miên.

111. Ðâu lạc thú đem đến cuộc đời,
Ðẹp giàu, ngự thiện, thú vui chơi,
Thê nhi có nghĩa gì con nữa?
Xiềng xích con nay giải thoát rồi.

112. Ðiều con biết: mọi chốn đi đường
Số phận luôn canh giữ chẳng ngừng,
Lạc thú sang giàu đâu ích lợi
Cho người thấy móng vuốt ma thần?

113. Hôm nay làm việc bạn cần làm,
Ai chắc ngày mai có ánh quang?
Thần chết chính là viên đại tướng
Không cho ai bảo đảm an toàn.

114. Trộn luôn rình rập lấy kho tàng,
Con đã thoát bao mối buộc ràng,
Cha hãy trở về vương vị cũ,
Con màng gì nữa với giang san?

Khi Bậc Ðại Sĩ chấm dứt bài giảng đầy thực tiễn của ngài, không những chỉ nhà vua và vương hậu nghe theo ngài, mà cả mười sáu ngàn cung phi cũng muốn sống đời tu hành. Rồi vua ban lệnh đi khắp kinh thành, cùng với tiếng trống vang dậy rằng ai muốn làm ẩn sĩ đều được đi tu với vương tử ngài.

Vua bảo mở cửa kho báu ra, truyền viết chiếu chỉ trên một chiếc dĩa vàng, dựng trên một cột tre, ban lệnh rằng các bình châu báu của vua sẽ được đem chưng bày ra nhiều nơi và kẻ nào muốn lấy cũng được.

Dân chúng bỏ nhà mở hết mọi cửa ngõ, như mở hội chợ, và ra đường vây quanh nhà vua. Vua cùng đám dân chúng ấy đều thề nguyền sống khổ hạnh trước Bậc Ðại Sĩ. Am ẩn sĩ được Thiên chủ Sakka cho dựng lên suốt ba dặm đường. Bậc Ðại Sĩ bước qua các túp lều làm bằng lá cành cây này, chỉ định các lều ở giữa dành cho đám phụ nữ vì họ bản tánh rụt rè. Còn những lều bên ngoài dành cho phái nam. Vào ngày Trai giới, họ đều đứng ở vùng đất ấy, tụ tập lại, ăn trái cây do Vissakamma trồng trước đây, và họ giữ giới luật tu hành. Bậc Ðại Sĩ biết rõ tâm mỗi người nào đang chìm đắm vào dục tưởng, sân tưởng hay hại tưởng, liền ngồi trên không mà thuyết Pháp cho từng người, và trong khi nghe Pháp, họ chóng tăng trưởng các Thắng trí và các Thiền chứng.

Một vị vua láng giềng hay tin vua Kàsi đã trở thành vị khổ hạnh, liền quyết định lập vương quốc của mình tại Bàlani. Vì thế vua ấy vào kinh thành, thấy khắp nơi trang hoàng rực rỡ. Vua bước vào cung chiêm ngưỡng đồ thất bảo và nghĩ thầm chắc phải có chuyện nguy hiểm gì đó quanh ngôi báu này. Vua bảo đi triệu vào vài kẻ đang say rượu và hỏi họ vị vua trước đây rời cung điện bằng cung môn nào.

Họ tâu lên:

- Bằng đông môn.

Vì thế vua thân hành ra cổng thành ấy và đi thẳng tới dọc theo bờ sông. Bậc Ðại Sĩ biết vua ấy đến, bước ra đón vua và ngồi trên không thuyết Pháp. Rồi lúc đó vị vua định chiếm nước này lại nguyện xuất gia cùng với hội chúng của mình. Và việc này lại xảy ra một lần nữa cho một vị vua khác.

Như vậy có cả ba quốc độ không người cai trị, voi ngựa được thả đi lang thang khắp các khu rừng. Xe ngựa gãy tan tành vứt trong rừng, tiền bạc trong các kho báu nhiều như cát bụi, tung vãi quanh vùng am ẩn sĩ. Các cư dân tại đó chứng đắc tám Thiền chứng và lúc mạng chung đều được sinh lên Phạm thiên giới. Ngoài ra, ngay cả ngựa voi có tâm được an tịnh nhờ chiêm ngưỡng các bậc Hiền trì, cuối cùng được tái sinh vào sáu cõi thiên ở dục giới.

*

Khi bậc Ðạo Sư đã thuyết Pháp thoại này xong, Ngài bảo:

- Không phải chỉ ngày nay, mà ngày xưa kia ta cũng đã từ bỏ ngai vàng và xuất gia sống đời khổ hạnh.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Nữ thần trong chiếc lọng là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), người lái xe là Sàriputta (Xá-lợi-phất), cha mẹ ta là vương tộc ngày nay, triều đình là hội chúng của đức Phật và Hiền giả què câm Mùgapakka chính là Ta.

-ooOoo-